Lào Cai: Tổng nguồn vốn Quỹ HTND đạt trên 39 tỷ đồng
15:15 - 26/06/2024
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nhờ việc phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).
Quỹ HTND giải ngân vốn cho các hộ trồng mậm tại địa phương, từ nguồn vốn trên các hộ vay có vốn mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập


Tính đến hết tháng 5 năm 2024, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 39,053 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng; Nguồn cấp tỉnh: 17,72 tỷ đồng, trong đó Ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ HTND tỉnh 16 tỷ đồng; Nguồn vốn cấp huyện: 6,933 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện cấp 1,003 tỷ đồng cho 3/9 Quỹ HTND cấp huyện. 

Dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 38,945 tỷ đồng thực hiện 57 dự án cho 603 hộ vay, tạo việc làm cho 1.133 lao động tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, dự án trồng trọt 20 dự án/13.605 triệu đồng chiếm 34,93%, chăn nuôi 25 dự án/16.075 triệu đồng chiếm 41,28%, thủy sản 12 dự án/9.265 triệu đồng chiếm 23,79%. 

Trong kỳ, Quỹ HTND tỉnh thu hồi 2 dự án đến hạn với số tiền 1,7 tỷ đồng, tỷ lệ thu gốc, phí đạt 100%; giải ngân 02 dự án với số tiền 1,7 tỷ đồng. Qua việc quản lý, theo dõi cho thấy: Hội viên, nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, không có tình trạng xâm tiêu nguồn vốn vay, nợ quá hạn. 

Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn vay phát triển sản xuất, Hội Nông dân thành phố tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ, thông qua phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 

Tính đến 31/5/2024, tổng dư nợ các cấp Hội Nông dân quản lý đạt trên 1.181,901 tỷ đồng cho 18.667 hộ vay, tại 524 Tổ TK&VV. Nợ quá hạn toàn tỉnh do Hội Nông dân quản lý là 683 triệu đồng (chiếm 0.058% tổng dư nợ), các huyện có tỷ lệ nợ quá hạn cao là thành phố Lào Cai, huyện Văn Bàn, Mường Khương. 

Các cấp Hội luôn chủ động phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT củng cố, kiện toàn, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ vay vốn; tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó dư nợ tín dụng tăng trưởng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu. Tính đến 31/5/2024, tổng dư nợ do các cấp Hội Nông dân quản lý đạt 1.156.218 triệu đồng cho 8.851 hộ vay, tại 456 Tổ TK&VV. Nợ quá hạn toàn tỉnh qua HND quản lý là 1,18%.    

Bên cạnh đó, để giúp hội viên vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, mỗi năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đơn vị chức năng mở nhiều lớp tập huấn kiến thức sử dụng vốn quỹ; hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn dạy nghề và khoa học kỹ thuật mới; tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm. 

Nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ HTND các cấp giúp nông dân vượt khó vươn lên, xây dựng, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. 

Điển hình như gia đình ông Trần Văn Quý, thôn Na Phả, xã Bản Sen, huyện Mường Khương. Năm 2020, trong lúc đang khó khăn về vốn đầu tư nuôi thủy sản, ông Quý được Hội Nông dân huyện hướng dẫn làm thủ tục vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Được vay 50 triệu đồng, ông mua cá giống và thức ăn cho cá. Việc nuôi cá trên diện tích 0,3 ha mặt nước đã mang lại nguồn thu cho gia đình ông Quý mỗi năm 80 triệu đồng. Ông Quý cho biết: Việc nuôi cá của gia đình có từ lâu nhưng quy mô nhỏ, không hiệu quả. Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp ông mở rộng sản xuất. 

Cũng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Mường Khương đã cho 10 hộ nông dân xã Bản Lầu vay vốn thực hiện Dự án “Chăm sóc, phát triển cây quế”. Dự án triển khai trong 3 năm với số tiền 100 triệu đồng/hộ và là dự án có số vốn vay cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. 

Gia đình bà Phàn Thị Lan ở thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án. Bà Lan cho biết: Gia đình tôi có 5 ha quế với hơn 17.000 cây. Tháng 7 vừa qua, nhờ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình có điều kiện thuê nhân công làm cỏ, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc quế. 

Với tổng số vốn vay là 700 triệu đồng, Dự án “Cải tạo và chăm sóc cây mận tam hoa” tại xã Na Hối huyện Bắc Hà có thời hạn vay là 36 tháng, mức phí cho vay 8,4%/năm. Được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Hội, sẽ giúp cho các hộ hội viên nông dân có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, cải tạo và phát triển cây mận Tam hoa, giúp tăng năng suất và diện tích cây trồng, thu nhập, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, gắn với phát triển vùng chuyên canh mận tam hoa chất lượng cao, phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. 

Hay như mô hình “Tổ, hội trồng và chăm sóc cây mận tam hoa” tại thị trấn Bắc Hà đã được Hội Nông dân huyện Bắc Hà giải ngân 1,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho 22 hộ nông dân vay vốn để mở rộng diện tích trồng và cải tạo cây mận tam hoa, trung bình 50 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng. Trước khi vay vốn, các hộ đã thống nhất thực hiện trồng mới và cải tạo 2.400 cây mận tam hoa, trong đó: Trồng mới 800 cây, đầu tư cải tạo 1.600 cây. 

Sau 2 năm thực hiện Dự án, số cây mận được trồng mới và chăm sóc đã phát triển tốt, mận được mùa, được giá (từ 40.000 - 80.000 đồng/kg). Thực tế cho thấy, nguồn thu từ vườn mận tam hoa của các hộ trong tổ, Hội Nông dân tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước khi thực hiện mô hình. Doanh thu 3 năm đạt 2,5 tỷ, lợi nhuận đạt 830 triệu đồng/năm.  Đánh giá hiệu quả của các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của cho thấy, việc giải ngân cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, địa điểm phù hợp với định hướng phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. 

Các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân phục vụ sản xuất được sử dụng có hiệu quả, đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn Quỹ tuy nhỏ nhưng đã góp phần tích cực giúp hội viên, nông dân có vốn kịp thời đầu tư sản xuất, tham gia mô hình để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao lợi thế cạnh tranh của các cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.  

Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng hành cùng các cấp tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, phát triển các mô hình, dự án quy mô lớn. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Từ đó, nông dân từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, phù hợp với xu thế tình hình mới.

Anh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường